NT Foundation - Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
 
 
Lượt truy cập: 12598799
 
 
Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Nhà Tâm lý lâm sàng Nguyễn Minh Đức
 

Dù ở thời đại nào, người cha cũng có một vai trò không thể thiếu được bên cạnh người mẹ để cùng nhau xây đắp tổ ấm gia đình, tạo tiền đề cho sự trưởng thành của con cái. Tuy nhiên, nếu như trong các xã hội truyền thống, hình ảnh người cha thường được "lên ngôi" với những ảnh hưởng tích cực, in dấu đậm nét lên các thế hệ sau, thì trong xã hội hiện đại, nhiều người cha đang gặp khó khăn về việc thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Hồi chuông báo động về sự khủng hoảng vai trò làm cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được bắt đầu ở các nước phát triển, khi các chuyên gia nghiên cứu về gia đình không chỉ quan sát thấy hiện tượng thiếu vắng thực tế hình ảnh người cha do những biến cố của đời sống gia đình hiện đại như ly hôn, ly thân,... mà cả sự "vắng mặt giả tạo" của người cha trong nhiều gia đình "có vẻ bình thường" - nơi mà người cha lãng quên vai trò đích thực của mình, cho dù vẫn có sự hiện diện hàng ngày trước vợ con trong gia đình.

 

Đối với các nước đang phát triển, tình hình chắc là chưa đến mức khủng hoảng như vậy, tuy nhiên sự dự báo những khó khăn về vai trò làm cha cũng rất cần thiết, nhằm giúp chúng ta có những định hướng đón đầu cho việc xây dựng gia đình trong thời kỳ mới.

Tất nhiên là rất khó có thể vạch ra được một hình mẫu người cha toàn năng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đa dạng của đời sống gia đình hiện đại. Do vậy mà bài viết này chỉ xin gửi đến những người làm cha và sắp làm cha một số thông điệp được rút ra từ các công trình nghiên cứu khoa học gần đây.

Thông điệp thứ nhất: "Người cha - trụ cột kinh tế và chỗ dựa tình cảm của gia đình"

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang mở ra cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người. Trong nhiều gia đình ngày nay, người cha đã trở thành một trong những trụ cột kinh tế vững chắc. Tuy nhiên, khác với người mẹ - người thường chú trọng nhiều hơn đến sự hài hòa giữa hai vai "giỏi việc nước, đảm việc nhà", - không ít người cha lại có xu hướng quá đam mê với những công việc làm ăn ở ngoài gia đình mà lãng quên vai trò quan trọng của mình trong sứ mệnh chung tay xây đắp tổ ấm cùng người mẹ. Chúng ta đã gặp ở đâu đó một số người cha, tuy ở gần nhà nhưng lại vắng mặt trong những bữa ăn gia đình với những lý do rất đa dạng như là phải ở lại làm thêm, phải tiếp đối tác, phải gặp gỡ khách hàng, phải giao lưu với các đơn vị bạn... Và khi trở về nhà, họ thường mệt mỏi, thậm chí có người vẫn còn chuếnh choáng hơi men sau những cuộc tiệc tùng đến mức không còn đủ thời gian và tâm trí để quan tâm tới vợ con. Theo lôgíc đó, có người đã tự biến mình thành "cái máy kiếm tiền" chuyên nghiệp, trong khi con cái lại trở thành "những cái máy tiêu tiền" không rõ mục đích, vượt khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, cho đến một ngày, mọi chuyện đã trở nên quá muộn!

Do vậy, với thông điệp này, phái nữ và các con muốn nói rằng họ rất cần đến người cha, không chỉ ở góc độ trụ cột kinh tế mà cả dưới góc độ trụ cột tình cảm của gia đình. Họ sẵn sàng góp sức cùng người cha trong cuộc mưu sinh, sẵn sàng chia sẻ với người cha về những lo toan nhọc nhằn của đời sống thường nhật để có được một hình ảnh người cha hài hòa hơn, luôn sát cánh cùng vợ con trong công cuộc kiến tạo hạnh phúc gia đình.

Thông điệp thứ hai: "Người cha - người bạn đời của mẹ"

Thông điệp này mới nghe tưởng như rất xưa cũ, nhưng đối với đời sống gia đình hiện đại, nó vẫn luôn luôn mang tính thời sự, vì trong thực tế có không ít cặp vợ chồng cho rằng đến một tuổi nào đó không cần phải biểu hiện tình yêu như thời kỳ "vàng so" trước đây. Thậm chí, có người lấy lý do cuộc sống bận rộn mà quên mất cả những tín hiệu yêu thương, những sự quan tâm chia sẻ với nhau trước những niềm vui và nỗi buồn của cuộc sống thường nhật. Có những gia đình tuy không xung đột vợ chồng trầm trọng, nhưng không khí sôi động của công việc làm ăn cùng những mối quan tâm đến tương lai, sự nghiệp của con cái lại lấn át chiều sâu cảm xúc tinh tế, lãng mạn cần thiết trong quan hệ vợ chồng... Nhiều người cho rằng những biểu hiện đó chỉ gây thiệt thòi cho nhu cầu khát khao được yêu thương, chia sẻ tình cảm của người vợ mà thôi, chứ không ảnh hưởng gì đến con cái. Thực ra vấn đề không chỉ như vậy. Các thành tựu hiện đại của tâm lý trẻ em đã chứng minh rằng, con cái không chỉ cần tình yêu thương trực tiếp của cha mẹ, mà chúng còn cần đến tình yêu thương giữa cha mẹ với nhau, vì điều này có thể giúp cho con trẻ tránh được một cách nghĩ rất "trẻ con" nhưng cũng rất phổ biến là: "Phải chăng, khi cha mẹ không yêu thương nhau thì lỗi lầm là do chúng gây ra?". Trong những gia đình có xung đột giữa cha mẹ, không ít trẻ em bị rối nhiễu tâm lý gắn với loại mặc cảm tội lỗi có vẻ "vô lý" này.

Do vậy, với thông điệp này, phái đẹp và các con mong muốn rằng, người cha hãy nhân danh người yêu, người bạn đời của mẹ mà góp sức xây dựng một bầu không khí yêu thương, lãng mạn trong gia đình, đem lại cho con cái một môi trường tâm lý an toàn và một mô hình tham chiếu về tình vợ chồng để chúng có thể noi theo và vươn tới trong một tương lai không xa.

Thông điệp thứ ba: "Người cha - Nhà giáo dục của các con"

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nói đến người cha như là một trong những người thầy đầu tiên của các con bên cạnh người mẹ. Người cha thường được đề cập đến như là một nhà giáo dục có những thế mạnh đặc biệt về tính nghiêm khắc, ý chí và bản lĩnh vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống... Tuy nhiên, với tư cách là nhà giáo dục của con, người cha cũng cần có những phẩm chất dịu dàng, tinh tế, bao dung, biết kiểm soát những cơn nóng giận vội vàng để đem lại cho con một tấm gương làm chủ cảm xúc, nhất là làm chủ những cảm xúc tiêu cực, chế ngự những xung năng hung tính của người lớn.

Là nhà giáo dục, người cha cần có những biểu hiện gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi lần lỡ hẹn vì những lý do bất khả kháng, mỗi lần không kịp về ăn cơm với vợ con, mỗi khi có sự cố xảy ra ngoài gia đình... thì người mẹ và các con, với tư cách là những người thân yêu nhất rất mong nhận được tin cha đúng lúc, kịp thời. Hơn nữa, những ứng xử này của người cha sẽ giúp các con học được những bài học sơ đẳng về việc tuân thủ những nguyên tắc chung sống trong gia đình.

Như vậy, với vai trò là nhà giáo dục, người cha không chỉ phải nghiêm khắc với các con mà cần phải và trước hết là nghiêm khắc với chính mình. Và nếu được như vậy thì thông điệp này chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ trong việc giáo dục con cái.

Thông điệp thứ tư: "Người cha - người bạn khác giới đầu tiên của con gái"

Theo một lẽ tự nhiên, người đàn ông đầu tiên trong đời có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đến đời sống tâm hồn của con gái chính là người cha. Đặc biệt là tuổi lên 3, khi bé gái bắt đầu có những biểu hiện quan tâm nhiều đến cha, thích được cha bế ẵm, nâng niu, thích nói những câu ngộ nghĩnh và thân thương với cha, thì người cha sẽ có thêm một vai trò mới hết sức quan trọng, đó là làm người bạn khác giới của con. Chính người cha sẽ là người đem lại cho bé gái những rung cảm đầu tiên mang sắc thái giới tính rõ nét giữa đàn ông với phái nữ. Khi bé được cha bế, được cha tắm rửa hoặc được cha ôm ấp, vuốt ve, ru cho bé ngủ,... bé sẽ cảm nhận được sự tinh tế, yêu thương, sự nâng niu, chiều chuộng của cha với tư cách là một người đàn ông. Tất cả những cảm nhận đó sẽ đi vào hành trang tình cảm của bé gái, làm cơ sở cho các mối quan hệ khác giới của bé sau này. Tuy nhiên, những cảm xúc mới lạ đó thường dẫn bé gái đến một giai đoạn cuốn hút với cha hơn là với mẹ. Do vậy mà người cha cần biết giúp bé gái xác định "điểm dừng" trong mối quan hệ dễ có xu hướng đi "quá đà" này. Có nghĩa là bé gái phải sớm nhận ra rằng tình bạn khác giới cũng chỉ là tình bạn mà thôi, đặc biệt là tình bạn khác giới trong gia đình lại càng cần đến ranh giới rõ ràng. Và chính người cha phải là người giúp bé gái xác định được ranh giới này trước khi bé bước vào tuổi đến trường tiểu học. Muốn vậy, người cha cần chủ động dừng những biểu hiện ôm ấp, vuốt ve kéo dài quá mức mỗi khi tiếp xúc với con và không nên để cho sự gần gũi đó dẫn bé gái đến thói quen phải luôn luôn được liền kề da thịt với cha. Cũng có một cách khác giúp người cha giải quyết được tình huống khó xử này là thường xuyên duy trì mối quan hệ tình cảm với mẹ, để bé gái biết được rằng bé sẽ không được quyền "độc chiếm" cha. Hơn nữa, nếu trong trái tim yêu thương của người cha, bé gái tìm thấy "bức tượng đài hùng vĩ" của người mẹ, bé sẽ có thêm niềm tin và lòng tự hào về giới tính của mình và bé sẽ nuôi khát khao trong tương lai đi chinh phục một người đàn ông cho riêng mình như mẹ đã từng làm.

Thông điệp thứ năm: "Người cha - thần tượng đàn ông của con trai"

Đây là một vai trò gần như ai cũng biết, nhưng lại không dễ dàng thực hiện, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, nơi có cả những người cha vắng mặt thực tế và "vắng mặt giả tạo". Nhìn chung, trong những gia đình có sự khiếm khuyết hình ảnh người cha như vậy, cả con trai lẫn con gái đều gặp nhiều khó khăn về tâm lý và tình cảm, nhưng riêng đối với con trai thì đây là một tổn thất vô cùng lớn lao, vì mọi cố gắng của người mẹ trong tình huống này chỉ có thể bù đắp được phần nào thiếu hụt chứ khó giải quyết được triệt để vấn đề cho con trai, vì vai trò làm thần tượng đàn ông là một đặc trưng của người cha (hoặc một người đàn ông khác thay thế cha) chứ không thuộc về phái nữ.

Chính người cha sẽ là thần tượng đàn ông đầu tiên trong gia đình, tạo nên một sức hút mãnh liệt để tách dần con trai ra khỏi mẹ sau một thời kỳ gắn bó đầy sôi động của cặp mẹ con khác giới trong tuổi thơ.

Với vai trò thần tượng đàn ông, người cha còn phải gánh vác thêm cả sứ mệnh giúp con khắc phục sự khiếm khuyết hình ảnh người thầy trong môi trường học đường, khi mà ở trường mẫu giáo các em chỉ hoàn toàn được tiếp xúc với cô giáo, và ở trường tiểu học, những người thầy cũng chỉ là thiểu số.

Hình ảnh người đàn ông hùng mạnh trong người cha sẽ còn theo con suốt cuộc đời, soi rọi cho mỗi bước đi của con trên con đường chinh phục, khám phá những đỉnh cao trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống tương lai.

Và cũng chính người đàn ông dịu dàng, tinh tế trong người cha, chứ không phải ai khác, sẽ dạy cho con trai những bài học đầu đời về tình yêu thương, sự trân trọng, bảo vệ và che chở cho "phái đẹp", qua những nét đẹp trong ứng xử hàng ngày mà cha dành cho mẹ. Và đó cũng là những đóng góp vô giá của người cha đối với hạnh phúc gia đình, cho dù xã hội có hiện đại đến đâu đi chăng nữa.

(Tác giả Nguyễn Minh Đức)

 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Chữa máy - chữa người
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...