NT Foundation - Chữa máy - chữa người
 
 
Lượt truy cập: 12510449
 
 
Chữa máy - chữa người
 

Một nhóm bác sĩ, y tá đã có kinh nghiệm hành nghề ít nhiều, tương đối trẻ, chưa bao giờ học Tâm lý - Tôi hỏi:

- Một bác sĩ khám, chữa một đứa trẻ; một kỹ sư chữa một cái máy bị hỏng, giống nhau về mặt nào? Khác nhau về mặt nào?

Mọi người đáp ngay: - Khác chứ!

Tôi hỏi lại: - Trứơc hết, xin nói mặt giống nhau đã.

 

Mọi người lúng túng, không trả lời được. Đây cũng là quy luật tâm lý, người ta dễ thấy sự vật khác nhau hơn những khía cạnh giống nhau - Nhận ra một người Âu Châu khác người Việt Nam thì dễ, nhìn ra những người Việt Nam giống nhau chỗ nào thì khó hơn.

Tôi nói: - Giống nhau ở chỗ, hai người bác sĩ và kĩ sư đều xem đối tượng của mình, cái máy và cơ thể con người cả hai đều như cái máy. Phải khám, hỏi, phát hiện ra chỗ hỏng hóc ở đâu, chữa ở đó. Trong lúc khám và chữa, vận động mọi giác quan (tai nghe, mắt thấy, tay sờ, có khi mũi ngửi) và những phương tiện kĩ thuật càng phải tinh xảo, hiện đại. Các bác sĩ cũng như kĩ sư ngày càng có những phương tiện vật lý, hoá học tinh xảo để hành nghề. Y học ngày nay là một nền y học với những công nghệ cao cấp (High Technology).

- Chắc các anh chị đều mơ ước bệnh viện của mình có đầy đủ siêu âm, laser, scanner, phòng xét nghiệm hiện đại. Muốn đi sâu vào những lĩnh vực mũi nhọn như Sinh Hoá, Di truyền, Miễn dịch học, Sinh học phân tử...? Muốn thực hiện những phẫu thuật phức tạp: Mổ tim, ghép thận, mổ não...?

Tất cả đồng thanh đáp: - Muốn quá! Chỉ khó là nước mình quá nghèo, làm sao sắm được hết - Một máy Scanner giá 1 triệu đô la, mỗi lần chụp (1994 ở TP. Tp. Hồ Chí Minh) phải trả 1,2 triệu đồng - Mấy bệnh viện có được, mấy bệnh nhân đủ tiền trả, quỹ bảo hiểm nào chịu đựng nổi? Mỗi ca mổ tim, ghép thận, dùng thận nhân tạo tốn cả chục triệu đồng trở lên: Thuốc càng mới càng đắt, làm sao bây giờ?

Mọi người ngừng hỏi - Trầm ngâm.

Ta tạm gác lại vấn đề kinh phí, trước hết nhằm chữa lành bệnh, phòng ngừa tốt, nâng cao sức khoẻ. Nếu đạt được mục tiêu thì đắt mấy cũng phải tìm cách giải quyết, nhưng có phải y học với tình hình (công nghệ cao cấp) giải quyết cho 100% các bệnh tật không? Cung cấp cho ta đầy đủ biện pháp phòng ngừa, nâng cao sức khoẻ?

Đến đây, ý kiến phân tán - Có người cho rằng khoa học sẽ tiến nhanh, giúp giải quyết mọi vấn đề, phải lao hết mình vào hướng high tech; có người không hoàn toàn tin tưởng như vậy, hỏi tại sao, thì nói không ra - Có thể dù có high tech mà nhiều khi tiền mất, tật vẫn mang.

Tuyệt đối tin ở High Tech?

- Ta phải dứt khoát trả lời câu: Giá thử có đầy đủ phương tiện kỹ thuật thì chữa lành mọi bệnh không? Nếu hiện nay chưa giải quyết thì ngày nào đó, khoa học sẽ phát minh ra máy mới, thuốc mới. Hay là dù có kỹ thuật cao cấp đến đâu, cũng có một số bệnh, chúng nằm ngoài phạm vi tác động của kỹ thuật, phải giải quyết theo môt phương hướng khác? Nếu loại bệnh chứng này hiếm hoi, không mấy khi gặp thì cũng không thành vấn đề, nhưng nếu là những bệnh chứng thường gặp thì sao?

Mọi người lại trầm ngâm:

- Ta thử nhìn trong các nước giàu, phương tiện đầy đủ như Mỹ, Pháp... Đúng là nhờ công nghiệp cao cấp, nhiều bệnh trước kia là nan y nay chữa lành. Y học trong những năm qua, đã có những thành tựu thần kỳ. Nhưng nhiều tài liệu cho biết là tuỳ từng khoa, công nghệ cao cấp chỉ giải quết từ 30-80% các ca đến khám. Có 2 loại bệnh chứng thoát ra ngoài tác động của máy móc thuốc men hiện đại là:

- Những bệnh chứng được gọi là "Chức năng" như đau đầu, đau tim... mà không thể nào tìm ra một tổn thương, một dấu tích thể chất nào cả, máy chạy không tốt nhưng tìm chẳng thấy hỏng hóc chỗ nào cả!

- Rất nhiều (nhưng không phải tất cả) rối loạn tâm lý như lo hãi vô cớ, bị ám ảnh, dở chứng, nghiện ngập, rối loạn hành vi tình dục...

Tài liệu của Mỹ, Pháp cho biết, các bệnh chức năng và các rối nhiễu tâm lý ngày lại càng nhiều, trong khi các bệnh về vi khuẩn, ký sinh trùng hầu như đã diệt trừ - Như ở Pháp hầu hết những viện điều trị lao phổi (Sanatorium) nay cải tạo thành những cơ sở chăm chữa những rối loạn tâm lý.

Cái khó là đứng trước những bệnh chứng như vậy, y học công nghệ cao hầu như bất lực, bệnh tình kéo dài nhiều năm có khi suốt đời. Những bệnh nhân đau nhức bộ phận này, bộ phận khác, đi khám ở những chuyên gia nổi tiếng nhất, vào những bệnh viện hiện đại nhất, vẫn không lành - Giữa bệnh nhân và bác sĩ quan hệ khá căng thẳng; bệnh nhân oán trách thầy thuốc dốt nát, vô tình, thầy thuốc bực mình, cho là bệnh nhân tưởng tượng. Bệnh nhân thất vọng, hết Tây y chuyển qua Đông y và không ít người đi cầu cúng, bói toán...

Không riêng gì ở nước ta mà ở Pháp, ở Mỹ số người chữa bệnh không theo hệ thống chính quy của nhà nước, của các trường đại học, đông không kém số bác sĩ, chuyên viên được đào tạo chính thức.

Nghe đến đây, có bạn lại đưa ra luận điểm, rồi ngày nào đó khoa học sẽ phát minh ra một loại máy móc hay hoá chất nào đó, thì đâu lại vào đấy. Đó là Thực thể chủ nghĩa tuyệt đối cho rằng tất cả mọi hiện tượng, chóng chày rồi cũng tìm ra cách lý giải qua các khoa học kỹ thuật sinh học - Tin tưởng như vậy, có thuận lợi là thúc đẩy việc tìm tòi, dẫn đến những phát hiện, phát minh mới. Nhưng trong lúc những người theo Thực thể chủ nghĩa tìm tòi và đợi chờ kết quả, thì các bệnh nhân vẫn mang bệnh, và hơn nữa, là không ít chữa theo phương hướng khác lại lành bệnh - Tìm tòi theo phương hướng khác thì mở ra những con đường khác để giải quyết vấn đề. Xin đưa ra vài thí dụ đơn giản:

ĐAU VÀ KHỔ

Một em bé lên 3 tuổi bỗng nhiên nháy mắt liên tục - Bác sĩ khám kỹ không phát hiện một dấu hiệu nào, để thấy căn nguyên chứng TIC này (cũng gọi là máy cơ) phải chẳng giả thử có một cái máy nào hết sức tinh xảo, hay một cách xét nghiệm sinh hoá nào tinh vi sẽ giúp cho hiểu rõ hơn bệnh tình? Cũng có một hướng tìm tòi khác: Hỏi han bố mẹ, biết được là trong năm qua, mẹ đi công tác nước ngoài, ở nhà thường ngủ với bố - Ngay hôm đầu mẹ về, cho ngủ với mẹ, từ đó xuất hiện chứng TIC - chỉ cần khuyên bố mẹ cho con tiếp tục ngủ với bố, đợi ít hôm con làm quen với mẹ rồi chuyển sang ngủ với mẹ, là lành TIC.

Chứng TIC liên quan đến một yếu tố tâm lý - Bố mẹ quên rằng với một em bé 2 tuổi, mẹ đi vắng cả một năm đã trở thành xa lạ, em có cảm nghĩ là bố bỏ rơi, em nói ra không được, nên phản ứng bằng cách nháy mắt liên tục.

Một ca khác: Một học sinh 12 tuổi, con trai, khám lâm sàng, X.quang rõ ràng là loét bao tử, cho uống thuốc đặc trị hết đau, bác sĩ dặn dò cẩn thận về ăn uống, nhiệm vụ bác sĩ đã trọn vẹn chưa? Bố mẹ có hỏi: Không biết rồi sẽ ra sao? Có tái phát không? Bác sĩ có cơ sở gì để trả lời thật chính xác không? Cẩn thận về ăn uống thực ra có tác dụng hay không? Biết rằng loét dạ dày thường liên quan đến tâm lý, bác sĩ phụ trách hỏi thêm về cuộc sống của em học sinh: Đây là một em bé thông minh, học ở lớp thường là xuất sắc, nhưng ông bố có tham vọng, con sẽ được giải thưởng quốc tế, sớm thành bác học, cho vào lớp chuyên toán - vì không có năng khiếu đặc biệt về toán, đứa trẻ vào đây phải cố gắng rất nhiều - Rồi bố còn thuê thầy dạy ngoại ngữ, ngày ngày bố kiểm tra việc học, con cứ phải vùi đầu vào sách vở, không một phút được chơi đùa:

Phải chăng cần một vị thuốc mới từ nước ngoài mua về, sẽ phòng ngừa bệnh tái phát, hay chính là chữa "bệnh" cho ông bố? Thuyết phục ông bố đừng làm tội con nữa? Em học sinh ấy đau ở dạ dày, mà khổ vì bị ép học trái cựa với năng khiếu. Đau là đau thể chất, Khổ là Khổ tâm; nếu bác sĩ chỉ biết cái đau, tìm tòi chăm chữa cái đau, quên mất cái khổ, thì nhiều khi chẩn đoán không đúng, chữa không trúng, hoặc có đúng, có trúng cũng chỉ một phần mà thôi.

Xin kể thêm một trường hợp loét dạ dày ở người lớn: Anh bệnh nhân ấy 45 tuổi, mổ cắt dạ dày, hết đau, phục hồi sức khoẻ mau chóng, đến tập dưỡng sinh, trong lúc tập luyện, nhân tôi có hỏi về hoàn cảnh sống, anh ấy tâm sự như sau:

- Vợ tôi 40 tuổi, 3 con sống có khó khăn, không hiểu vì sao vợ đặt vòng không được, cho nên hai vợ chồng ăn nằm với nhau rất khó khăn, đời sống tình dục căng thẳng.

Tôi suy nghĩ: Cái dạ dày này đã bị cắt oan: Nếu bác sĩ phụ trách biết mở rộng cách nhìn ra ngoài việc khám lâm sàng và xét nghiệm. Hỏi thêm về tình cảnh người bệnh, thì chắc rằng đã hướng cách chữa cách khác bằng Phòng ngừa có thai bằng triệt sản, bằng bao cao su...

Bác sĩ không biết đến nỗi khổ tâm của bệnh nhân, người bệnh thì không dám nói khổ tâm của mình cho thầy thuốc - cả hai bênh đều bị ngăn chặn vì một điều cấm kỹ thuật nghiêm khắc còn đang ngự trị trong xã hội: Đã động đến tình dục là xấu xa, là bẩn thỉu - Có thể nói cho thầy thuốc biết, đi đại tiện, phân như thế nào, chứ không bao giờ - trừ phi bác sĩ hỏi rõ nói đến chuyện ăn nằm với phụ nữ. Bác sĩ có thể đút ngón tay vào âm hộ một người đàn bà để khám tử cung, nhưng không hé miệng hỏi người bệnh ăn ngủ với đàn ông có thoải mái không. Loại tình dục ra ngoài phạm vi tìm tòi, chăm chữa, y học đã bỏ sót không biết bao nhiêu bệnh chứng, không thể đoán đúng, chữa trúng. Cái khổ cái sướng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến sức khoẻ, đến sức miễn dịch - Điều này đã được chứng nghiệm - Cho nên một nền y học mà bỏ sót cái khổ, chỉ biết cái đau, bỏ sót mặt tâm lý, là một nền y học què quặt.

Khám lâm sàng, làm đủ mọi thứ xét nghiệm, người thầy thuốc tối thiểu còn phải tìm hiểu về tình cảnh sinh sống của người bệnh - Cảnh là hoàn cảnh sinh sống, trong cuộc sống gia đình xã hội có vấp váp, vướng mắc gì không? Tình là tâm tư, là nội tâm, vui buồn, hy hoan, bực bội, giận hờn, khoái lạc ra sao? Con người bao giờ cũng vậy, từ hoàn cảnh mà sinh ra tâm trí này nọ, trăn trở dằn vặt, như câu Kiều mô tả:

"Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng"

CHỮA VÀ CHĂM:

Có bạn hỏi: - Biết được tình cảnh, hiểu được tâm tư rồi, cách chữa bệnh có khác không? Có gia giảm kháng sinh? Thay đổi cách làm phẫu thuật? Chế độ dinh dưỡng?

- Bác sĩ và y tá vừa chữa trị bệnh tật, vừa chăm sóc người bệnh - chữa trị thì tuỳ bệnh, bệnh giống nhau, chữa giống nhau, còn chăm sóc thì tuỳ người,cùng một bệnh, mà chăm sóc mỗi người mỗi khác - Chữa máy móc khác chữa con người là như vậy. Cho ăn gì? Ăn bao nhiêu Calo, bao nhiêu Protéin, bao nhiêu Vitamin là cho ăn đủ lượng, đủ chất, đó là mặt sinh học, chế độ dinh dưỡng thay đổi tuỳ tuổi, tuỳ bệnh. Nhưng ăn còn phải ngon. Muốn ăn ngon, bữa ăn phải vui - người lớn cũng vậy, trẻ em cũng vậy. Đó là mặt tâm lý. Trong câu chuyện Lưu Bình, Dương Lễ, Lưu Bình ăn bữa cơm mà nuốt không vào, không phải vì thức ăn đạm bạc, mà vì cách đối xử của người bạn nối khố ngày xưa.

Người bệnh sống trong tâm trạng bồn chồn lo âu, rất nhạy cảm với cách đối xử của người khác, đặc biệt của bác sĩ, y tá. Một lời nói, một cử chỉ làm cho yên tâm hay lo sợ thêm, có khi hoảng hốt, rồi sốt nặng, huyết áp dao động, đau nhức thêm, có khi mọi triệu chứng được giảm nhẹ. Tin tưởng, tín nhiệm bác sĩ, y tá, là vị thuốc đầu tiên và nhiều khi là hữu hiệu nhất. Cũng không quên bầu không khí yên vui hay nặng nề của cả bệnh viện với những lề lối tổ chức, đối xử với bệnh nhân cũng tác động sâu sắc đến sức khoẻ của bệnh nhân.

Càng có nhiều máy móc, càng dễ làm cho cách chữa bệnh đâm ra vô tình, vì máy móc làm cho bác sĩ, y tá cách biệt với bệnh nhân, vì vậy ở các nước phát triển, các bệnh viện càng hiện đại, càng quan tâm đến mặt tâm lý, và các khoa chữa trị phức tạp thường có chuyên viên tâm lý hỗ trợ cho bác sĩ và y tá.

TIẾN ĐẾN MỘT NỀN Y HỌC NHÂN VĂN:

Trong lúc huấn luyện, cán bộ y tế được trang bị đầy đủ về mặt sinh học, về kiến thức, thuốc men, máy móc... Còn phải vận dụng trong môi trường xã hội thường là phức tạp. Tham gia vào việc giáo dục vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh, từ bỏ một số thói quen mới. Ở một xã hội còn lạc hậu, làm sao cho bà con hết đại tiện xuống kênh rạch, rồi lại dùng nước ở đấy tắm giặt, nấu nướng. Ở các thành phố, làm sao cho nhiều người bỏ hút thuốc lá, thuyết phục các bà mẹ cố gắng cho con bú nhiều tháng, đối với một số người cần tập thể dục thường xuyên. Có thể nói, việc mở những chiến dịch xã hội rộng lớn về nhiều vấn đề đối với ngành y tế còn quan trọng hơn là chữa từng ca bệnh.

Không chỉ có những môi trường lạc hậu đầy vi khuẩn, ký sinh trùng, sâu bọ là gây nguy cơ bệnh tật; môi trường công nghiệp hoá, đô thị hoá lại gây ra một loạt bệnh tật, cách khác, những bệnh tật ấy được gọi là bệnh "Văn minh" như các bệnh tim mạch, rối loạn tâm tư, phì nộn, tai biến mạch máu não, ung thư... Với những loại bệnh này, cho đến nay máy móc, thuốc men thường ít hiệu nghiệm. Bệnh kéo dài năm này sang năm khác, làm cho kinh phí khám nghiệm, thuốc men nằm viện, bỏ công ăn việc làm rất cao, đến mức ở những nước giàu nhất, ngân sách dành cho y tế, do nhà nước hay các quỹ bảo hiểm, trợ cấp tăng vùn vụt mà vẫn không đủ - Không chỉ có ở những nước nghèo, ngành y tế mới phải trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc, mà ở các nước giàu, y tế cũng đang ở trong tình trạng lúng túng. Các nước giàu như Mỹ, nay cũng tìm cách vận động nhân dân thay đổi nếp sống, thói quen để phòng ngừa bệnh tật. Nếu chỉ trông chờ ở tiến bộ của sinh học, thì triển vọng không có gì sáng sủa lắm.

Ở Mỹ, từ những năm 70, nhiều giới trong ngành y, phối hợp với nhiều tổ chức xã hội, đã mở một chiến dịch rộng lớn nhằm vận động nhân dân bỏ thuốc lá, tập thể dục nhiều hơn, giảm chất béo, chất bổ trong các bữa ăn - Chiến dịch đã lôi cuốn hàng chục triệu người và kết quả là giảm số người bị tai biến tim mạch, huyết áp cao một cách đáng kể, hiệu lực hơn hẳn bất kỳ loại thuốc nào. Chiến dịch này đã thành công không phải do những cán bộ y tế đơn giản hô hào, mà trước lúc tiến hành ở một vùng nào trong một xí nghiệp lớn nào, phải điều tra nắm được những đặc điểm về xã hội, kinh tế, phong tục, tín ngưỡng của mỗi tầng lớp, mỗi tộc người, mỗi địa phương. Tóm lại, cán bộ y tế muốn đề xuất được những bài bản, những biện pháp đúng trong việc vận động quần chúng, cần có sự hiểu biết tối thiểu về xã hội, về tâm lý, về cách sống - Vào công tác ở một vùng dân tộc thiểu số khác với những vùng chỉ có người Kinh ở một vùng Thiên chúa giáo hay Hoà hảo phải làm khác những vùng không có đạo giáo. Ngay trong một thành phố lớn, mỗi quận, mỗi khu vực đều có những đặc điểm về dân cư, về điều kiện và cách sinh sống khác nhau. Xã hội ngày nay không còn thuần nhất nữa.

Nói đến con người là phải nói đến tất cả những mối quan hệ xã hội chằng chịt tác động lên thể chất và tâm tư - Y học lấy thể chất làm gốc, lấy sinh học làm cơ sở, nhưng không thể không nhìn sang các lãnh vực xã hội và tâm lý. Khống biến mỗi bác sĩ, y tá thành một chuyên viên xã hội học, tâm lý học, nhưng cũng không thể để bác sĩ, y tá i tờ về các lãnh vực ấy. Trong việc đào tạo cán bộ y tế phải có những môn tâm lý học, xã hội học... Phải tiến đến một nền Y HỌC NHÂN VĂN (1).

(Tác giả: Nguyễn Khắc Viện)

Chú thích:

(1): Trong những trường hợp khó khăn lúc sinh đẻ, những bệnh năng kéo dài, chữa trị phức tạp với nhiều máy móc, hoặc không thể chữa được, các bệnh viện lớn đều có những chuyên viên tâm lý "dìu dắt" không những cho bệnh nhân mà cho cả bác sĩ, y tá vượt qua những lo âu trăn trở. Với một số trẻ em phải dùng máy móc nhiều khi để chữa trị, có bệnh viện mới nhưng người hề vào mua vui cho các em.



 
E-mail  Gửi email cho bạn bè
In trang này In trang này
  Lên đầu trang
Các bài khác...
  • 10 ĐIỀU NÊN NÓI VỚI CON
  • Bố mẹ hay bạn
  • Cần có chiến lược phòng ngừa rối nhiễu tâm lý trẻ em
  • Xem con như là một chủ thể
  • Xem con như là thượng khách
  • Trẻ em hư
  • Trẻ em ngày nay
  • Tính
  • Cảm thông và chia sẻ với tuổi mới lớn
  • Giải mặc cảm tội lỗi cho trẻ - một hướng phòng ngừa tự sát
  • Năm thông điệp gửi người cha trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
  • Làm thế nào để giúp con có được hình ảnh đẹp về người cha?
  • Chăm - Chữa - Dạy tại phòng khám Tâm lý - Y học - Giáo dục trong một bệnh viện đa năng
  • Sẻ chia với trẻ tự kỷ
  • Trẻ có những dấu hiệu: Chậm nói, ngơ ngác... Đừng vội cho là trẻ tự kỷ
  • Rối nhiễu tâm lý sau hai năm vắng mẹ
  • Hội chứng tự tỏa qua 10 câu hỏi
  • Nỗi khổ của con em
  • Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam
  • CHỨNG ÁM ẢNH...SỢ
  • Khi nào nên lo lắng về việc trẻ chậm nói
  • 12 trò chơi rèn kỹ năng cho bé dưới 1 tuổi
  • Mạnh hơn cả lời nói
  • Đo nhu cầu thành đạt bằng phương pháp TAT
  • Test nhanh chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
  • RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý
  • Tâm lý “con một”
  • NỖI KHỔ CỦA CON EM TRONG GIA ĐÌNH
  • NGUY HẠI HƠN VI TRÙNG
  • SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TỪ 0 ĐẾN 3 TUỔI (kỳ 1)
  • TÂM LÝ HỌC MỘT XA XỈ PHẨM CẦN THIẾT
  • NHỮNG NHU CẦU CƠ BẢN VÀ NHU CẦU TÂM LÝ CỦA CON NGƯỜI.
  • NGHIÊN CỨU TÂM LÝ GIA ĐÌNH
  • CÁC BIỂU HIỆN NHIỄU TÂM Ở TRẺ EM
  • LOẠN TÂM Ở TRẺ EM
  • PHẢN ỨNG SINH LÝ VÀ TÂM LÝ CỦA TRẺ BẾ BỒNG
  • TÂM LÝ THANH NIÊN
  • FREUD VÀ THUYẾT PHÂN TÂM
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • TÌM HIỂU TRẺ EM QUA HÌNH VẼ
  • LÂM SÀNG TÂM LÝ
  • NHỮNG THỜI KÌ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ KHÔN
  • PHÁT TRIỂN TÂM LÝ TRONG NĂM ĐẦU
  • TIẾP NHẬN PHÂN TÂM HỌC VÀ PHÊ PHÁN
  • KHÁI NIỆM “GẮN BÓ”
  • PHÁT TRIỂN CẢM GIÁC VẬN ĐỘNG
  • CAN THIỆP SỚM - MỘT KHỞI ĐẦU SỚM CHO THÀNH CÔNG CỦA HOÀ NHẬP
  • Phân tâm học và phật giáo
  • Tiếp nhận phân tâm học và phê phán
  • Tiếp cận "Lâm sàng của chủ thể" trong trị liệu tâm lý
  •  
    Giới thiệu về trung tâm
    B/S Nguyễn Khắc Viện, Nhà sáng lập Trung tâm N-T
    Bà Nguyễn Thị Nhất, Nhà đồng sáng lập Trung tâm NT
     
    Bạn đọc viết
    Trò chuyện không định h...
    em muon hoi chi tiet hon ve cach the hien cac loai cau hoi t...
    29/11/08 10:24 More...
    By duong hanh

    Des troubles psychologiques, des méthodes de consultation et de traitement ...